Những ngày vừa qua, tin vui về việc đoàn Việt Nam xếp thứ 3 trong cuộc thi tay nghề ASEAN với 7 Huy chương Vàng cho thấy rằng: Giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay đang có sự khởi sắc.
Hai năm trở lại đây, việc nhiều học sinh phổ thông chọn giáo dục nghề nghiệp thay vì thi vào các trường ĐH, CĐ cho cũng phần nào phản ánh nhu cầu: Việc làm thật của nguồn lao động trong nước. Sắp xếp mạng lưới trường nghề đang là giải pháp tiến hành từ nay đến những năm tới, để giáo dục nghề nghiệp có thể nâng cao chất lượng, tăng cường hơn nữa việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 có số nghề lớn nhất được tổ chức từ trước đến nay (với 26 nghề), với sự tham gia của 331 thí sinh đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam dự thi đủ 26 nghề với 52 thí sinh. Kỳ thi diễn ra tại Thái Lan từ 26-8 đến 5-9-2018. Với 7 thí sinh đạt Huy chương Vàng, 7 thí sinh đạt Huy chương Bạc và 6 thí sinh đạt Huy chương Đồng, ngoài ra có 16 thí sinh đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn.
Các nghề đạt Huy chương Đồng gồm: Tự động hóa công nghiệp; Thiết kế và phát triển trang web; Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Công nghệ thời trang và nghề Điện lạnh.
Đây không phải thành tích đầu tiên của đoàn Việt Nam tại các cuộc thi tay nghề. Những năm trước, thành tích của đoàn học sinh đi thi tay nghề khu vực và thế giới cũng rất tốt. Điều đó cho thấy những hiệu quả của công tác dạy nghề ở nhiều cấp: Nghề phổ thông và nghề đòi hỏi trình độ bậc cao.

Để phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng các Đề án, dự án, như: trình Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020 và 2030 Việt Nam phải có một số lĩnh vực, một số ngành nghề tiếp cận được với chuẩn của các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, như: Đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước; đổi mới cơ chế tài chính; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường; gắn kết đào tạo với DN; hoạch định lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Năm 2018, xác định giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính. Trước thực trạng trường dạy nghề “chằng chịt” nhưng chất lượng không tương xứng, Bộ LĐ-TB&XH đang quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới này cho phù hợp.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, sắp xếp các trường dạy nghề để đến năm 2021 giảm 10% các cơ sở công công lập. Để việc sắp xếp lại các trường CĐ, trung cấp hiệu quả, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương sắp xếp lại các trung tâm theo hướng tích hợp 2 trong 1; Rà soát lại các trường trung cấp theo định hướng nếu trường có trên 50 ngành nghề đào tạo trùng với các ngành nghề với các trường CĐ để tổ chức lại và sáp nhập vào trường CĐ.
Theo đó, cứ 3 trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giáo dục tổng hợp sẽ sáp nhập làm 1 hoặc 2. Theo kế hoạch, có 3 giai đoạn tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2021, giảm 10% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, 10% biên chế, 10% cơ sở tự chủ. Đến năm 2025, con số này là 20%, năm 2030 là 40%.
Bộ LĐ-TBXH khuyến khích các trường tự chủ phát triển, giao quyền tự chủ cho các trường. Trước hết là tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức; đồng thời chuyển mạnh sang đào tạo đặt hàng, kết nối với DN và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hiện cả nước đang có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 400 trường CĐ, hơn 550 trường trung cấp, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Bên cạnh các trường tuyển sinh và đào tạo tốt, không ít cơ sở không có học sinh.
Phan Thủy
Theo Phapluatxahoi.Vn